|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Lệ làng: Đặc trưng văn hóa truyền thống Việt Nam là văn hóa làng/ xã (xã xưa kia), nên khi nói về phong tục tập quán cũng phải đề cập văn hóa từng làng/ xã riêng biệt. Tuy nhiên, xưa kia, tuy là hai xã độc lập nhưng hai làng/xã Thanh Vân và Hoàng Lại có nhiều nét tương đồng. Sau này sáp nhập thêm thôn/ làng Tam Hợp với sự cộng cư của người dân các nơi nhưng cơ bản vẫn kế thừa, duy trì theo các phong tục tập quán của dân sở tại.

Lệ làng Thanh Vân xưa quy định: Trong năm, nhà nào sinh con trai thì đến ngày mồng 10 tháng Mười làm lễ vào làng. Gia chủ chỉ sắm mươi, mười hai quả cau mang ra đình để các cụ làm lễ trình  thành hoàng làng. Từ đây đứa trẻ trai chính thức là thành viên của làng. Đến khi 49 tuổi, theo các cụ ra đình gọi là nối gót các cụ. Khi 50 tuổi thì phải khao làng. Khao làng cũng được quy định rõ ràng: Trong đám người đến tuổi 50 trong làng thì phải cử một người đứng đầu (đại diện cho nhóm), dưới sự điều hành của Cai đám. Sắp đến ngày khao mỗi người phải đóng góp một cỗ xôi (tương đương một xó gạo nếp, khoảng 3,5 kg)

Cũng như các làng quê khác ở huyện Hiệp Hòa, xưa nay, hàng năm dân xã Thanh Vân vẫn duy trì các tiết lệ chung như:

- Tết Nguyên đán: Là Tết to nhất trong năm, là ngày đoàn tụ ông bà, con cháu xa gần về thắp hương tưởng nhớ tổ tiên, chúc mừng nhau năm mới tốt lành, làm ăn thịnh vượng. Tết đến, nhà nào cũng sắm sửa thịt, rượu, rau, quả để ăn Tết và đón khách. Với những ngày Tết người dân Thanh Vân cơ bản vẫn duy trì phong tục đẹp: mồng Một tết (tức thăm nom, chúc) cha mẹ đẻ, họ hàng bên nội; mồng Hai tết cha mẹ vợ bên vợ, mồng Ba tết thầy giáo và bạn bè. Sau mấy ngày Tết thì chọn ngày tốt để làm lễ hóa vàng.

- Ngày Rằm tháng Giêng: Là Tết Nguyên tiêu, lễ sắm gọn nhẹ chỉ cần xôi gà, rượu nhưng chỉ một số gia đình duy trì.

- Ngày mồng 3 tháng Ba: Tết Hàn thực. Các gia đình chuẩn bị cỗ xôi gà, rượu nhưng không thể thiếu bánh trôi chay để cúng gia tiên.

- Ngày mồng 5 tháng Năm: Tết Đoan ngọ (trừ sâu bọ) Ngoài sắm cỗ cúng gia tiên, các gia đình còn làm rượu nếp cái để ăn với ý nguyện diệt trừ giun sán trong người, sâu bọ ngoài vườn, ngoài đồng.

- Ngày Rằm tháng Bảy: Xá tội vong nhân (xá tội cho người dưới âm), các gia đình sắm cỗ cúng gia tiên , đồng thời mua vàng mã hóa cho người đã khuất.

- Rằm tháng Tám: Tết Trung thu, Tết dành cho trẻ em, các gia đình mua sắm bánh, kẹo, hoa quả, đồ chơi cho trẻ em phá cỗ trông trăng. Đồ chơi phải có đèn ông sao mới có ý nghĩa.

- Ngày Mồng 10 tháng Mười: Tết cơm mới, các gia đình làm xôi gà cúng gia tiên.

- Ngày 23 tháng Chạp: Các gia đình làm cỗ cúng tiễn ông Táo về trời. Ngoài cỗ phải có cá chép sống và hai mũ (cho Táo ông và Táo bà) để cúng và cúng xong thì phóng sinh với ý nguyện cá chép của gia đình sẽ để Táo quân cưỡi về trời.

Tôn giáo: Đa số người dân xã Thanh Vân chịu ảnh hưởng của Tam giáo (đạo Phật, đạo Nho, đạo Lão), nhưng sâu sắc hơn cả là đạo Phật, đạo Nho. Người theo đạo Phật ở đây là Phật giáo Đại thừa, không chỉ hành lễ tại chùa mà có thể tu tại gia, cho nên đa số người dân xã Thanh Vân theo đạo Phật nhưng là tu tại gia theo quan niệm “Phật tại tâm” (Phật ở lòng mình), “linh tại ngã, bất linh tại ngã” ( thiêng do bản thân  mình, mà không thiêng cũng do bản thân mình). Đàn bà đến tuổi đi quy, ngoài sự lệ, thì  tháng đôi lần vào ngày Rằm, mồng Một hàng tháng ra lễ chùa. Đàn ông ít người đi lễ chùa, mà họ ra đình làm lễ thành hoàng. Nhưng khi răn dạy con cháu sống thảo hiền, biết kính trên nhường dưới, sống vì mọi người không vị kỷ, thì cả các ông bố, bà mẹ đều lấy khuôn phép của đạo Khổng, hay lẽ phải trong giáo lý nhà Phật để bảo ban con cháu người thân.

Tín ngưỡng: Cũng như nhiều địa phương khác trong vùng, người dân xã Thanh Vân ảnh hưởng nhiều tín ngưỡng trong đời sống hàng ngày. Tiêu biểu là tín ngưỡng thờ cúng gia tiên, thờ cúng thành hoàng, thờ cúng người có công và các tín ngưỡng khác như: Tín ngưỡng thờ thần (thần mây, thần mưa, thần sấm, thần chớp, thần sông núi, thần đất, thần đá, thần cây, …), tín ngưỡng phồn thực, tục thờ thánh, tục thờ mẫu vv…

Riêng tục thờ thành hoàng cũng có nhiều sự lệ hàng năm. Làng/xã Thanh Vân xưa mỗi năm có gần chục sự lệ liên quan đến thờ cúng thành hoàng làng được ghi chép trong bản thần tích xã Thanh Vân (xã cũ) như sau:

“Phụng khai ngày sinh, hóa cùng tiết lệ, tên húy nhất thiết cấm dùng 4 chữ: Hiển, Sùng, Kỳ, Dực. Khi hành lễ cấm mặc sắc phục màu vàng, màu tía.

- Lệ ngày 10 tháng Năm là ngày sinh 2 vị thần Cao Sơn và Quý Minh đại vương (tức Sùng Công và Hiển công). Lễ dùng thịt trâu, thịt bò và ca xướng.

- Lệ ngày 15 tháng 3 là ngày sinh Kỳ công. Lễ dùng trầu cau, rượu, xôi, trâu, bò, và ca xướng.

- Lệ ngày mồng 7 tháng Giêng là ngày sinh Dực công. Lễ dùng lợn đen, xôi, rượu.

- Lệ ngày 12 tháng Tư , ngày Dực công hóa. Lễ dùng gà, xôi, rượu.

- Lệ ngày 10 tháng Chín ngày Tam công đại vương hóa. Lễ dùng lợn đen, xôi, rượu.

- Lệ ngày khánh hạ 12 tháng Bảy. Lễ dùng thịt lợn đen, xôi”.

Trước cách mạng tháng tám năm 1945, sự lệ thờ thành hoàng được sắm sửa chu đáo và thực hiện đúng lệ. Thời kỳ kháng chiến chông Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, do loạn lạc, giặc giã nên các sự lệ đều bị quên lãng. Những năm gần đây do điều kiện kinh tế được cải thiện nên dân làng đã khôi phục và duy trì đầy đủ các sự lệ cha ông để lại. 

Bên cạnh việc sắm lễ cúng các tiết lệ trong năm, người dân xã Thanh Vân còn ảnh hưởng một số tín ngưỡng Tục lệ thờ cúng tổ tiên:

Ngày nay, phát sinh thêm Lệ mừng sinh nhật: Lệ mừng Tết Thiếu nhi (Trung thu rằm tháng Tám), Quốc tế phụ nữ, Nhà giáo Việt Nam, Thầy thuốc Việt Nam…Tết lễ: thăm hỏi, chúc tụng. Cưới xin, ma chay, giỗ chạp

          Tại xã Thanh Vân ngày nay có nhiều tục lệ cổ trong ngày hội, tiêu biểu là trò chơi đánh cầu ở làng Thanh Vân. Quả cầu tròn có móc, người tham gia là 4 giáp. Theo truyền thuyết, do thành hoàng sinh ngày 7 tháng giêng. Sau đó có Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 Sứ quân. Lúc đầu quân bị thất trận nên chạy giặc theo dòng sông Cầu đến núi Ia (Núi I Sơn), nhưng được báo nếu chạy dọc sông  sẽ bị tiêu diệt, nên quân chạy tắt ngang. Tướng quân cùng quân trú tại chùa Tròn, tổ chức vật cầu để tuyển chọn những thanh niên có sức khoẻ để vào đội quân. Quả cầu làm bằng gỗ, gần to bằng cái thúng. Sau này tục vật cầu bị mai một nên đã bị lấp xuống ao. Các giáp tiến hành vật cầu gồm có giáp Tân, Thượng, Đoài, Góc. Sân vật cầu trước đây có 2 con voi, 2 con ngựa bằng đất và mấy con nghê. Sân cầu được lát bằng gạch, xung quanh có xây tường. Sân trước buổi diễn ra vật cầu còn dùng để tế lễ. Sân này thường được ghép từ hai mặt ruộng. Thời gian tiến hành vào ngày 7 tháng giêng nếu không xong thì tiếp tục vào ngày 8 tháng giêng. Mỗi đội có 12 người. Thanh niên chọn những người chưa vợ, phải chay tịnh nếu không khi chơi cầu sẽ bị ngã. Khi móc cầu lấy củ tre để móc.

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7,705
Tổng số trong ngày: 100
Tổng số trong tuần: 165
Tổng số trong tháng: 1,630
Tổng số trong năm: 16,348
Tổng số truy cập: 36,180